Chuyện "lạ đời" về người hùng của tuyển nữ Việt Nam: Cô nữ sinh lớp 12 sáng đến trường, chiều "lên đồ" ra sân tập bóng đá
Phạm Hải Yến ghi "bàn thắng vàng" trong hiệp phụ giúp Việt Nam vươn lên dẫn trước
Sau SEA Games 2019, Hải Yến của đội tuyển nữ Việt Nam là một trong những cái tên được giới truyền thông săn đón nhiều nhất. Cô gái nhỏ nhắn cố gắng tranh thủ đến gặp chúng tôi trong một ngày kín lịch vì phải đi "chạy show". Dù được chú ý nhiều hơn nhưng Hải Yến vẫn vậy, giản dị, hiền lành và mang đến cho người đối diện một cảm giác vô cùng thoải mái. Câu chuyện mà cô ấy kể về sự nghiệp của mình, từ khi còn là một đứa trẻ cũng chứa đựng nhiều điều thú vị.
Đá bóng xong là chạy về nhà bà vì sợ bố mắng
Phóng viên: "Xin chào Hải Yến, có lẽ chúng ta nên bắt đầu về tuổi thơ của bạn trước. Bố của bạn từng chia sẻ rằng bà ngoại là người gắn bó với bạn nhất. Bạn có thể chia sẻ đôi chút về bà của mình được không?"
Phạm Hải Yến: Thời gian em ở với bà rất nhiều, hồi bé ở với bà nhiều hơn bố mẹ. Bố mẹ thường xuyên đi làm không ở nhà với em. Khi đó, nhỏ đi học rồi về nhà bà, buổi tối nhiều khi ở cùng với ông bà luôn nên khi còn nhỏ, mọi sinh hoạt hầu như là do bà chăm sóc. Ở nhà ông bà mở một cái tạp hóa nhỏ nên là em thích cái gì ông bà cũng chiều rồi cho cháu, gần như là mở tạp hóa phục vụ cháu gái.
Khi em quyết định đi đá bóng thì cả nhà, bố mẹ ông bà cũng không đồng ý. Vì khi nhỏ rất bé và còi, khi đẻ chỉ được 2 cân 8, cả gia đình chẳng ai nghĩ em phát triển được, mà môn bóng đá lại cần nhiều sức, va chạm rất dễ đau nên chẳng ai muốn em theo bóng đá cả.
Bố em chỉ muốn em cắt cỏ để em không có thời gian mà chạy ra sân bóng nữa. Còn bà thấy cháu như thế thì thấy thương lắm vì biết cháu đam mê mà lại không được bố cho phép.
Hồi bé em rất hay bị bố đánh vì ở nhà không làm được gì mà đã chạy ra ngoài sân bóng. Vì thế nên nhiều hôm em đi đá bóng về là chạy thẳng về nhà bà vì nhà bà còn gần sân bóng hơn. Khi bố đến đón mà chẳng may bị mắng thì còn có ông bà bênh.
Hải Yến bén duyên với bóng đá như thế nào? Khi nào thì Yến quyết định theo đuổi bóng đá?
Ở ngay gần nhà em có sân bóng, trong nhà có một người dì cũng chơi bóng đá. Ngày ấy còn bé, thấy mọi người kể là "dì đi đá bóng, dì được lên thành phố" nên cũng thích lắm, rồi mấy chị em chiều chiều lại rủ nhau đi ra đá bóng. Cứ học xong là sẽ chạy ra sân. Ngay gần nhà có bác Kiểm, là một người rất tâm huyết với bóng đá. Bác luôn chuẩn bị sẵn một túi bóng, cháu nào thích là sẽ dạy bóng đá. Bọn em thích rồi cứ tìm đến bác để học hỏi.
Khi ấy chỉ có suy nghĩ là yêu thích, muốn đá tốt hơn các chị. Trong xã em có rất nhiều chị đá giỏi và nổi tiếng lắm. Mình cũng muốn được như các chị, được ăn tập chuyên nghiệp.
Khi mới đến tập luyện cùng đội trẻ ở Hà Nội (năm 13 tuổi), điều gì Hải Yến thấy khó khăn nhất?
Khi mới xa gia đình thì mình cũng không tưởng tượng được khó khăn như thế nào. Lúc bắt đầu ở ký túc em cũng thấy rất sợ, không quen ai cả, mọi người đến từ khắp nơi trên đất nước, các thầy cô cũng đến từng phòng động viên nhưng dù sao thì cũng cảm thấy chưa quen. Cũng buồn và sợ lắm, vì mình không có ai để trò chuyện. Sau này thì các chị cũng chủ động trò chuyện rồi đưa em đi chơi nên quen dần với mọi người.
Hồi trước cả đội vẫn còn ở khu ký túc cũ của SVĐ Hà Đông, so với bây giờ thì điều kiện kém hơn nhiều nhưng với những đứa trẻ như em, vừa ở quê lên thì thấy rất tốt rồi. Dù xa bố mẹ nhưng các cô và thầy chăm sóc rất tốt.
Em bắt đầu tập luyện thì xác định với bản thân là khó khăn nhưng phải cố gắng, như vậy mới đạt đến thành Dong Hoi Airport Transfer công. Đó là con đường duy nhất em lựa chọn.
Được biết cách đây 5-6 năm Yến từng xin nghỉ bóng đá, khi đó Yến gặp phải chuyện gì vậy?
Khi đó em đang tham gia giải vô địch Quốc gia ở TP. HCM, cảm thấy căng thẳng quá, mình bị stress luôn mà không biết nói chuyện với ai. Cơ thể cũng vô cùng mệt mỏi vì phải thi đấu liên tục nữa, càng đến lúc quan trọng thì phát sinh càng nhiều vấn đề quanh quẩn trong đầu. Lúc ấy thực sự không biết nên làm gì tiếp theo nữa nên gọi về cho mẹ khóc, nói rằng "con mệt và sợ, mẹ xin cho con về". Đó cũng là lần duy nhất em bế tắc. Mẹ đã động viên rất nhiều, phân tích từng thứ để mình hiểu và cố gắng nhiều hơn nữa.
Nếu không theo đuổi bóng đá, thì liệu Yến sẽ làm gì. Có khi nào nghĩ lại và muốn được như các bạn đồng trang lứa không?
Các bạn cùng tuổi với em bây giờ làm nhiều nghề lắm. Người mở tiệm nhỏ, làm kế toán, hay làm thuê cho ai đó, có nhiều người lấy chồng rồi nữa nhưng ít người theo bóng đá đến cùng. Nhiều lúc em cũng hay trêu các bạn là nếu ở nhà khéo cũng có 2 đứa nhóc dắt đi chơi rồi. Nhưng thật sự từ khi bắt đầu theo bóng đá thì bản thân mình luôn tin tưởng tuyệt đối. Không có con đường nào quá dễ dàng hay quá khó khăn cả, mình cứ phấn đấu, rồi sẽ có lúc em có những thứ mà người khác không có được, hoặc ngược lại.
Ngay cả trong đội của em, cũng có rất nhiều bạn đã cùng bắt đầu với mình nhưng rồi lại rẽ sang hướng khác. Lúc ấy cảm thấy buồn nhiều lắm, em hay tâm sự với chị Miện, trước đây chị cũng tập luyện ở Hà Tây cũ, rồi sau này trở thành HLV của Hà Nội. Chị cũng giống như bọn em, đến từ tỉnh ngoài và theo đuổi nghiệp thể thao nên hiểu tâm lý của cầu thủ.
Chị Đào Thị Miện có phải người có nhiều ảnh hưởng đến sự nghiệp của Yến không?
Thông thường, những cầu thủ trẻ như bọn em sẽ được đưa lên chơi ở Hà Nội II rồi sau đó nếu chơi tốt mới được đôn lên Hà Nội I. Tuy nhiên, khi ấy chị Miện lại đưa em từ tuyến trẻ nên thẳng Hà Nội I, trước đó chưa ai được đặc cách như vậy. Lúc ấy cảm thấy sợ lắm, mình là bé nhất mà. Mỗi lần làm sai mình sợ bị các chị và các thầy mắng. Còn nhớ có lần chỉ là tham gia một trò chơi khởi động thôi nhưng làm sai nhiều quá nên bị nói, lúc ấy em bật khóc ngay trên sân luôn. Chị Miện đã dành nguyên một buổi để dỗ em. Sợ nhất là chị Nguyễn Thị Muôn vì chị ấy ở trên tuyển Quốc gia về, ít nói chuyện giao lưu với các em. Nhưng sau này thì em cũng quen hết rồi lại chơi thân với các chị lớn nhất.
Cô "nữ sinh" sáng cắp sách đi học, chiều sắp đồ lên đội tuyển
Em còn nhớ lần đầu tiên được triệu tập vào đội tuyển Quốc gia không, cảm xúc lúc đó như thế nào?
Khi đó là lúc đội đang đá giải VĐQG ở Hà Nam. Em mới chỉ có 18, 19 tuổi, vẫn chưa có suất đá chính ở CLB Hà Nội nữa cơ. Chị Minh Nguyệt, tiền đạo số 1 của ĐTQG bị chấn thương nên HLV Trần Văn Phát đã phải đi tới sân để tìm kiếm người thay thế. Rất may là em được vào sân từ băng ghế dự bị trong một trận đấu mà ông dự khán. HLV của em có kể lại là thầy Phát rất thích phong cách đá của em vì có nét giống chị Nguyệt nên muốn em thế vào vị trí đó luôn. Mình cảm thấy bất ngờ lắm chứ vì nhiều chị đá chính còn chưa bao giờ được gọi lên. Thậm chí phải đến lúc lên Liên đoàn bóng đá Việt Nam tập trung em mới tin được rằng mình có tên trong danh sách của đội tuyển.
Khi ấy em vẫn còn đang học lớp 12. Sáng vẫn đi học bình thường rồi lúc về các chị mới giục đi xếp đồ để lên đội tuyển thì mới bắt đầu chuẩn bị, chứ thực sự đến lúc ấy vẫn chưa tin được. Mình cũng chẳng kịp ăn mừng với ai cả.
Yến đã có lần thứ 2 đoạt huy chương vàng SEA Games, cảm xúc của em thế nào?
Lần tham dự SEA Games trước các đội bóng thi đấu theo thể thức vòng tròn tính điểm, không có trận bán kết hay chung kết nên cảm xúc cũng bớt căng thẳng hơn. Nhưng năm nay thì khác, mọi người phải tập trung hơn rất nhiều, sảy chân một lần là không có cơ hội sửa sai. Đây chắc chắn là một danh hiệu đáng nhớ nhất của em.
Trước khi vào sân thay người em có một quyết tâm rất lớn là sẽ ghi bàn. Bản thân mình cũng cảm thấy phong độ ở SEA Games không được tốt. Các cô và thầy có nói đùa rằng không cần nghĩ ngợi nhiều, chỉ cần ghi được một bàn ở chung kết là đủ rồi. Vậy mà mình làm được thật. Trong các buổi tập, cả đội cũng được tập rất nhiều tình huống cố định rồi. Em luôn là người được ưu tiên tạo cơ hội để dứt điểm, các đồng đội có nhiệm vụ che chắn và gây khó khăn cho đối thủ.
Sang năm 2020, em thấy điều gì mà bóng đá nữ Việt Nam phải thay đổi, như việc lương thưởng chẳng hạn?
Thực sự để so sánh với các đội bóng nam thì điều kiện mình không thể bằng được, nhưng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong một vài năm gần đây, đời sống của chúng em cũng được cải thiện hơn rất nhiều rồi. Nhìn sang các bộ môn khác thì em cảm thấy bóng đá vẫn có nguồn thu nhập ổn định nhất. Lúc nào em cũng nghĩ rằng mình không nên đặt nặng quá về vấn đề thành tích, sự quan tâm của NHM (người hâm mộ), chỉ cần mình cố gắng có thành tích là sẽ nhận được những gì xứng đáng.
Cũng có nhiều người phải làm thêm nhiều công việc khác như bán hàng online, đi dạy ở các trung tâm bóng đá cộng đồng. Em thi thoảng cũng đi dạy hộ các chị. Tuy nhiên, bây giờ em cũng phải dành thời gian để hoàn thành việc học đại học của mình. Bố mẹ em cũng mo ng muốn con giải nghệ sớm để có được một công việc ổn định nhưng sau khi học xong đại học, em vẫn muốn cống hiến nhiều hơn cho bóng đá. Khi nào không chơi được nữa mới hướng đến việc đi làm.
Năm nay ắt hẳn có rất nhiều niềm vui, Tết này Yến có muốn làm điều gì đó thật đặc biệt không?
Cả năm mình đã đi thi đấu rồi nên bây giờ em chỉ muốn về nhà giúp đỡ bố mẹ một chút việc nhà thôi.
Sang năm 2020, đội tuyển nữ sẽ bắt đầu chặng đường mới, thử thách mới. Đầu tiên là vòng loại Olympic Tokyo. Mong rằng NHM sẽ dõi theo và cổ vũ cho chúng em. Xin chúc tất cả mọi người một năm mới an khang thịnh vượng, tràn đầy sức khỏe.
- Cảm ơn Hải Yến về cuộc trò chuyện này!
Gia đình nữ tuyển thủ Phạm Hải Yến chia sẻ về những kỷ niệm của con gái khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp
Phạm Hải Yến: "Chỉ cần được đá bóng thì Tết nào cũng vui"
Nhận xét
Đăng nhận xét